Giải thích thành ngữ: Rung cây nhát Khỉ

Cách phát âm

IPA theo giọng
Hà Nội Huế Sài Gòn
zuŋ˧˧ kəj˧˧ ɲaːt˧˥ xḭ˧˩˧ ʐuŋ˧˥ kəj˧˥ ɲa̰ːk˩˧ kʰi˧˩˨ ɹuŋ˧˧ kəj˧˧ ɲaːk˧˥ kʰi˨˩˦
Vinh Thanh Chương Hà Tĩnh
ɹuŋ˧˥ kəj˧˥ ɲaːt˩˩ xi˧˩ ɹuŋ˧˥˧ kəj˧˥˧ ɲa̰ːt˩˧ xḭʔ˧˩

Thành ngữ

Rung cây nhát khỉ hay Rung cây dọa khỉ

  1. (Nghĩa đen) khỉ là động vật leo trèo cây giỏi, dù có muốn rung cây để cho nó ngã xuống cũng vô ích.
  2. (Nghĩa bóng) hù dọa một người can đảm cũng chẳng ích gì.

→ Giải thích bởi: wiktionary.org/wiki/rung_cay_doa_khi

“Rung cây dọa khỉ” có giống “Rung chà cá nhảy”?

Nhóm có quan điểm đồng nhất ngữ nghĩa hai thành ngữ trên lập luận rằng: Cả hai câu đều có ngụ ý “bằng cách đánh động (rung chà, rung cây) để ai đó hoảng loạn, mất tinh thần mà lộ diện chân tướng (cá nhảy, khỉ chạy), người ta đã có cơ hội để thực hiện ý đồ của mình (bắt cá, bắt khỉ)”. Theo họ, trong một chừng mực nào đó, hai thành ngữ này cũng nằm trong hướng nghĩa như “rút dây động rừng” vậy.

Nhóm thứ hai cho rằng nghĩa này chỉ có thể áp dụng cho thành ngữ “rung chà cá nhảy”. Còn “rung cây nhát khỉ” thì lại thể hiện một nghĩa biểu trưng khác.

Ta thử phân tích từng thành ngữ một nhé!

Về “rung chà cá nhảy”. “Chà” là một loại cành cây, có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để làm rặng rào (chà rào) hoặc thả dưới ao, hồ cho cá đến trú ngụ (Vì chuôm cho cá bén chà/ Vì người tôi được vào ra chốn này – ca dao). Ở nông thôn, người ta hay dùng các cành cây tre to, có nhiều nhánh, khẳng khiu, ngâm dưới nước rất bền để làm chà. Những người bắt cá có kinh nghiệm, thường lội xuống ao chuôm, bất ngờ giật mạnh các cành chà, kéo đi kéo lại. Các loại cá ăn theo đàn (như cá mè, cá trắm cỏ…) thấy động nhảy tứ tung và bơi loạn xạ. Thế là người ta dùng vó cất, lưới quét hoặc nơm úp rất hiệu quả. Có khi một mẻ vó bắt được cả chục con một lúc. Quả là rất “nghề”. “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức” (NXB Khoa học Xã hội, 2015) chia thành ngữ này thành 3 nghĩa: 1. Khi thả chà bắt cá, người ta thường rung cái chà, thấy động cá nhảy; 2. Làm kinh động để dụ kẻ gian vào tròng; 3. Có cơ hội sẽ trốn, hoặc làm điều gì đó. Ví dụ: “Mấy ông trên huyện đưa tin đầu tháng đội cải cách về làng. Thế là rung chà cá nhảy, tụi dõng tìm cách chạy qua sông trốn. Thế là ta bắt gọn chúng ở bến đò Thứa” (Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 35A).

Về “Rung cây doạ khỉ”. Chúng ta đôi lần vẫn nghe người ta nói tới thành ngữ “Rung cây dọa khỉ” (hay “rung cây nhát khỉ”). Chẳng hạn: “Mày thì bắt nạt được ai chớ với nó thì chả khác nào rung cây doạ khỉ”; “Cho tiền thì tụi tôi chỉ cho! Họ muốn làm quen, họ vô phép quá. Họ gọi tụi tôi bằng tụi bây, hăm he rằng trâu ăn cỏ trên đất của họ, họ có thể đuổi bất cứ lúc nào. Tụi tui đây ngại gì kiểu rung cây nhát khỉ chớ!” (Sơn Nam, “Hương rừng Cà Mau”). Câu này dùng để mô tả một sự tình “ai đó đã cố tình rung (lắc) cây cốt để làm cho chú khỉ đang ngồi trên đó phải sợ hãi”. Nghĩa tường minh (hay nghĩa đen) là như thế. Vậy nghĩa biểu trưng ở đây là gì?

Chúng ta từng biết, khỉ là một loài vật rất giỏi leo trèo trong rừng rậm, núi cao. Cùng họ linh trưởng với khỉ, còn có vượn và đười ươi. Nhưng khỉ và vượn (với sự khéo léo và trọng lượng cơ thể nhẹ hơn) lại nhảy nhót, leo trèo hơn hẳn anh đười ươi chậm chạp. Mọi thứ trong cuộc sống của họ nhà khỉ đều diễn ra trên rừng. Nhờ cánh tay và các ngón tay rất dài, mềm mại, khỉ bám rất chắc vào các cành cây. Chúng thường đu mình rồi nhanh chóng di chuyển từ cành này sang cành khác nhanh và dẻo như làm xiếc vậy. Lũ khỉ vốn hiếu động, ma lanh và láu cá nên việc đuổi bắt chúng thật chẳng dễ tí nào. Chỉ thoáng thấy bóng người hay kẻ thù định tấn công là cả đàn khỉ trên cây sẽ nhanh chóng chuyền cành nhanh thoăn thoắt. Thậm chí có chú khỉ trổ tài “phi thân”, từ cây này sang cây khác với một khoảng cách rất xa, nhất là trong địa hình cây cối rậm rạp, um tùm. Các em đã từng xem phim “Tây du ký” (phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân – Trung Quốc) có nhân vật Tôn Ngộ Không, từng là “chúa tể” của loài khỉ ở Hoa Quả Sơn, xuất quỷ nhập thần, nhào lộn “tài như khỉ”.

Do vậy mà chuyện ai đó rung cây để dọa dẫm lũ khỉ (để nhát chúng, khiến cho chúng hoảng sợ mà bỏ chạy) quả là một chuyện kỳ cục, trái khoáy. Đó chính là căn cứ hình thành nên ngữ nghĩa đích thực của câu thành ngữ này, rằng người nào đó đã “làm một việc trái lẽ thường, đi dọa dẫm người khác không phải lối, không đúng đối tượng, xét cho cùng chỉ tốn công vô ích” (“Từ điển thành ngữ Việt Nam”, NXB Văn hoá, 1992).

Với cách hiểu như thế thì rõ ràng, hai thành ngữ “rung chà cá nhảy” và “rung cây doạ khỉ” có ngữ nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *